Skip to main content

Tri Tôn triển khai chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

Hệ thống y tế huyện Tri Tôn hiện nay đáp ứng cơ bản công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. Trung tâm y tế: có 01 cán bộ; mỗi trạm Y tế xã thị trấn có bố trí 01 cán bộ phụ trách. Hoạt động khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động đã được các cơ sở lao động quan tâm thực hiện.

Responsive image


Hàng năm công tác tuyên truyền, phổ biến về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp được huyện Tri Tôn tổ chức thường xuyên. Như triển khai tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho y tế cơ sở và cơ sở lao động. Tăng cường tuyên truyền hưởng ứng tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ hằng năm.

Mặc dù có cán bộ phụ trách công tác khám chữa bệnh cho lao động từ tuyến huyện đến 15 xã thị trấn. Tuy nhiên, việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp chưa triển khai đầy đủ, chỉ một số ít doanh nghiệp thực hiện, chưa có cơ chế quản lý đối với khu vực lao động làm việc không có hợp đồng lao động. Chưa được triển khai đầy đủ các chỉ định đối với người lao động đã tiếp xúc với các yếu tố có hại trong quá trình lao động. Hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác kiểm tra, giám sát để hỗ trợ cho các xã, thị trấn về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa được thực hiện một cách thường xuyên, do đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu và yếu do kiêm nhiệm nhiều công việc. Công tác phối hợp liên ngành trong việc thanh, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở chưa được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên;

Từ thực tế đó UBND huyện Tri Tôn vừa ban hành kế hoạch số 51 ngày 9/3/2023 về thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2030. Trong đó UBND huyện đặt ra 5 mục tiêu là nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động, tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, phòng chống bệnh, tật, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc. Nâng cao sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh, tật, phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia tại nơi làm việc. Tăng cường quản lý, phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại các ngành nghề có nguy cơ cao. Nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Ông Trần Minh Giang, phó chủ tịch UBND huyện Tôn chia sẻ “huyện đạt ra 6 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện chương trình. Đó là tăng cường sự chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan đơn vị có liên quan đối với công tác chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành trong việc quản lý, hỗ trợ thông qua việc triển khai chính sách, hướng dẫn và tạo môi trường thuận lợi để thực hiện hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đầu tư cho công tác dự phòng và điều trị để đảm bảo và nâng cao sức khỏe cho người lao động. Khuyến khích đẩy mạnh đảm bảo chất lượng hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân, xã hội hóa trong lĩnh vực quản lý môi trường lao động, sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, điều trị và phục hồi chức năng. Chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, làng nghề và lao động tự do, đặc biệt đối với lao động nữ, có thai và cho con bú. Tăng cường tuyên truyền vận động cho người lao động, người sử dụng lao động và mọi người dân về nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp”.

Ngoài ra UBND huyện cũng đặt một số chỉ tiêu phấn đấu như 50% số cán bộ y tế lao động chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp đến năm 2025 và đạt 100% đến năm 2030; Quản lý 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. 100% Trạm Y tế cấp xã được tập huấn, hướng dẫn về dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động. 40% Trạm Y tế cấp xã thực hiện lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở đến năm 2025 và đạt 70% đến năm 2030. 30% số người lao động không có hợp đồng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (lâm nghiệp, ngư nghiệp) và làng nghề được tiếp cận thông tin  truyền thông và được tư vấn về yếu tố có hại, nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến nghề nghiệp, các biện pháp phòng chống và nâng cao sức khỏe đến năm 2025 và đạt 60% đến năm 2030. Giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động vào năm 2025 và đến năm 2030 giảm 25%. 50% cơ sở lao động có trên 200 người lao động được hướng dẫn về dinh dưỡng phù hợp với điều kiện lao động đến năm 2025 và đạt 70% đến năm 2030. 30% số cơ sở lao động lồng ghép các chỉ tiêu khám phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm (kiểm soát huyết áp, chỉ số BMI, đường huyết, cholesterol máu, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, ảnh hưởng có hại của sử dụng thuốc lá và rượu, bia) trong khám sức khỏe định kỳ hằng năm tùy theo yếu tố ngành nghề và lứa tuổi đến năm 2025 và đạt 50% đến năm 2030. 100% người lao động bị mắc bệnh, tật được tư vấn để đảm bảo sức khỏe phù hợp với công việc; 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.100% người lao động nghỉ ốm dài ngày, bị mắc các bệnh, tật mạn tính phải điều trị dài ngày, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng được tư vấn về khả năng lao động phù hợp với sức khỏe.

Châu Phong